Bản Án của Tòa Án và Phán Quyết của Trọng Tài Nước Ngoài tại Việt Nam

Nội dung chính

  • Vào ngày 25 tháng 9 năm 2020, Bộ Tư Pháp đã công bố cơ sở dữ liệu về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.
  • Cơ Sở Dữ Liệu bao gồm các quyết định của Tòa Án Việt Nam đối với 26 bản án, quyết định của tòa án nước ngoài và 83 phán quyết của trọng tài nước ngoài trong giai đoạn từ ngày 1 tháng 1 năm 2012 đến ngày 30 tháng 9 năm 2019.
  • Trong số 26 đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, có 7 đơn liên quan đến tranh chấp thương mại, trong đó có 3 đơn bị từ chối công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
  • Trong số 83 đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài, 30 đơn bị từ chối không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
  • Ngày càng có nhiều vụ việc quốc tế tại Việt Nam, các tòa án Việt Nam ngày càng có xu hướng nghiêng về việc cho phép công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài.
  • Các bên được thi hành bản án/phán quyết trọng tài phải luôn lưu ý trường hợp tài sản của bên phải thi hành bản án/phán quyết trọng tài được đặt tại Việt Nam, và do đó họ nên xem xét cách tốt nhất để bảo đảm bản án/phán quyết trọng tài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
  • Mặc dù có xu hướng tích cực gần đây, các bên cần xem xét các nguyên nhân mà tòa án Việt Nam có thể áp dụng để từ chối công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài.

Giới Thiệu

Vào ngày 25 tháng 9 năm 2020, Bộ Tư pháp đã công bố cơ sở dữ liệu về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam (“Cơ Sở Dữ Liệu”).

Cho đến thời điểm gần đây, các tòa án Việt Nam chưa từng đưa ra quan điểm và ý kiến cởi mở như thế này trên các diễn đàn giải quyết tranh chấp nước ngoài.

Chỉ mới 3 năm trước đây, Tòa Án Nhân Dân Tối Cao Việt Nam bắt đầu công bố các bản án, quyết định của các cấp tòa án, công nhận và xuất bản các án lệ, qua đó làm sáng tỏ quy trình xét xử chưa đủ công khai minh bạch tại Việt Nam.

Cơ Sở Dữ Liệu bao gồm các quyết định của Tòa án Việt Nam đối với 26 bản án, quyết định của tòa án nước ngoài và 83 phán quyết của trọng tài nước ngoài trong giai đoạn từ ngày 1 tháng 1 năm 2012 đến ngày 30 tháng 9 năm 2019.

Căn cứ vào Cơ Sở Dữ Liệu, trừ các vụ án bị đình chỉ do nhiều nguyên nhân khác nhau theo quy định của Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015 (trong đó chủ yếu là do người nộp đơn yêu cầu rút đơn), 46% bản án, quyết định của tòa án nước ngoài (12/26) và 49% phán quyết trọng tài (41/83) đã được công nhận và thi hành tại Việt Nam; và chỉ có 19% bản án, quyết định của tòa án nước ngoài (5/26) và 36% phán quyết trọng tài (30/83) bị từ chối công nhận và cho thi hành.

Công nhận và Cho Thi Hành Các Bản Án và Quyết Định của Tòa Án Nước Ngoài

Các bản án, quyết định của toà án nước ngoài (bao gồm cả các bản án, quyết định liên quan đến giao dịch thương mại và các vấn đề dân sự và gia đình khác) chủ yếu được toà án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam theo hai cơ sở pháp lý: (i) Điều ước quốc tế mà quốc gia của tòa án nước ngoài và Việt Nam là thành viên quy định việc công nhận và cho thi hành, và (ii) có căn cứ để áp dụng nguyên tắc có đi có lại với các nước mà Việt Nam không có hiệp ước.

Về tương trợ tư pháp đối với các vấn đề dân sự, Việt Nam chỉ có hơn mười hai hiệp ước với các nước khác, chủ yếu là các nước thuộc Liên Xô cũ. Vì vậy, việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trên thực tế rất quan trọng vì các bản án, quyết định của tòa án từ một nước không tham gia hiệp ước sẽ không được công nhận và thi hành tại Việt Nam.

Trong số 26 đơn yêu cầu được công bố trên Cơ Sở Dữ Liệu, có 7 đơn liên quan đến tranh chấp thương mại, trong đó có 3 đơn bị từ chối công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.

Cơ Sở Dữ Liệu liệt kê một số lý do chính khiến tòa án Việt Nam từ chối công nhận và cho thi hành bản án của tòa án nước ngoài. Những lý do đó bao gồm: (i) các tòa án nước ngoài đó đã không triệu tập hoặc tống đạt hợp lý cho bên bị yêu cầu thi hành án theo quy trình của tòa án; (ii) các bản án, quyết định của tòa án nước ngoài nếu được công nhận sẽ trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam; hoặc (iii) khi tòa án Việt Nam không nhận thấy có căn cứ để áp dụng nguyên tắc có đi có lại; và (iv) các phán quyết của tòa án nước ngoài đã bị thu hồi.

Điều đáng chú ý là bên yêu cầu công nhận và cho thi hành phải nộp cùng với đơn khởi kiện, ngoài các nội dung khác, bằng chứng cho thấy tòa án nước ngoài đã triệu tập hoặc tống đạt hợp lệ cho bên kia. Điều đó có nghĩa là trách nhiệm chứng minh thuộc về bên yêu cầu công nhận và cho thi hành. Trên thực tế, bên đó rất khó có được bằng chứng này vì bằng chứng này thường do bên còn lại nắm giữ.

Khái niệm “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” là khái niệm tương đương tại Việt Nam với “chính sách công” ở các quốc gia khác. Đây là một khái niệm rộng và do đó rất mơ hồ. Các trường hợp liên quan trong Cơ Sở Dữ Liệu về công nhận và cho thi hành bản án của tòa án nước ngoài chưa làm sáng tỏ vấn đề này.

Công nhận và Cho Thi Hành Các Phán Quyết Trọng Tài Nước Ngoài

Phán quyết của trọng tài nước ngoài được tòa án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam theo hai cơ sở pháp lý: (i) quốc gia có diễn đàn trọng tài nước ngoài và Việt Nam là thành viên của điều ước quốc tế có liên quan và (ii) có căn cứ để áp dụng nguyên tắc có đi có lại với các nước mà Việt Nam không có hiệp ước. Do Việt Nam là thành viên của Công ước New York 1958 và hầu hết các quốc gia là đối tác đầu tư hoặc thương mại của Việt Nam đều là thành viên của Công ước này nên việc công nhận và cho thi hành trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại ít quan trọng hơn.

Trong số 83 đơn yêu cầu được công bố trên Cơ Sở Dữ Liệu, 30 đơn bị từ chối không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.

Công nhận và cho thi hành trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại là một lĩnh vực đang phát triển. Cơ Sở Dữ Liệu cho thấy các tòa án Việt Nam đã áp dụng cơ sở nguyên tắc có đi có lại không nhất quán. Cụ thể, không rõ liệu tòa án Việt Nam chỉ cho phép công nhận và thi hành đối với quốc gia mà bản án của tòa án Việt Nam đã được công nhận và cho thi hành hay sẽ được công nhận và cho thi hành.

Các lý do phổ biến nhất để từ chối công nhận và cho thi hành bao gồm: (i) các hội đồng trọng tài ban hành phán quyền đã không tống đạt phù hợp cho bên được yêu cầu thi hành theo quy trình của hội đồng trọng tài (được dẫn chiếu 27 lần), (ii) các phán quyết trọng tài đó, nếu được công nhận, sẽ trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam (được dẫn chiếu 10 lần), và (iii) thiếu thẩm quyền để các bên tham gia thỏa thuận trọng tài hoặc các thủ tục ký kết không được tuân thủ (được dẫn chiếu 6 lần).

Mặc dù Việt Nam là thành viên của Công ước New York và pháp luật Việt Nam đặt trách nhiệm chứng minh cho bên bị yêu cầu thi hành án, các tòa án Việt Nam thường yêu cầu bên yêu cầu thi hành án cung cấp bằng chứng. Hơn nữa, ngay cả khi bằng chứng được cung cấp, các tòa án Việt Nam dường như chỉ dựa vào các thủ tục của Việt Nam về việc tống đạt, thay vì thỏa thuận của các bên và quy tắc của trung tâm trọng tài về việc tống đạt, để xác định xem thủ tục tống đạt có phù hợp hay không.

Thiếu thẩm quyền và không tuân thủ các thủ tục ký kết cũng thường được dẫn chiếu. Mặc dù pháp luật Việt Nam quy định rằng năng lực hành vi dân sự của cá nhân và pháp nhân nước ngoài phải được xác định bằng cách áp dụng luật của quốc gia đó, tuy nhiên, các tòa án Việt Nam thường có xu hướng chỉ áp dụng pháp luật Việt Nam cho mục đích xác định này.

Không giống như công nhận và cho thi hành phán quyết của tòa án nước ngoài, các trường hợp liên quan về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài trong Cơ Sở Dữ Liệu chỉ ra rằng hành vi vi phạm bất kỳ pháp luật cụ thể nào của Việt Nam có thể được hiểu là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Do đó, vẫn có rủi ro đáng kể về cách tòa án Việt Nam có thể giải thích các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam một cách rộng rãi khi công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.

Kết Luận

Ngày càng có nhiều vụ việc quốc tế được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Tòa án nước ngoài và trọng tài nước ngoài thường có thẩm quyền đối với các vụ việc quốc tế trừ khi các vụ việc đó thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam. Các tòa án Việt Nam ngày càng có xu hướng nghiêng về việc cho phép công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định của tòa án nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài.

Các bên được thi hành bản án/phán quyết trọng tài phải luôn lưu ý trường hợp tài sản của bên phải thi hành bản án/phán quyết trọng tài được đặt tại Việt Nam, và do đó họ nên xem xét cách tốt nhất để bảo đảm bản án/phán quyết trọng tài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Mặc dù có xu hướng tích cực gần đây, các bên cần xem xét các nguyên nhân mà tòa án Việt Nam có thể áp dụng để từ chối công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, phán quyết của trọng tài nước ngoài.

Các Tác Giả

Trương Nhật Quang, Luật Sư Thành Viên (quang.truong@ykvn-law.com)
Nguyễn Duy Dương, Luật Sư Cộng Sự (duong.nguyen@ykvn-law.com)
Vũ Tuấn Đức, Trợ Lý Luật Sư (duc.vu@ykvn-law.com)

X
Contact Us

Send a message to YKVN

Not readable? Change text. captcha txt