Những nội dung thay đổi đáng chú ý: Chính Sách Vay Nước Ngoài của Ngân Hàng Nhà Nước Thu Hút Sự Quan Tâm

25 Tháng 7, 2023

Nội dung chính 

  • Được phép vay nước ngoài bằng Đồng Việt Nam ngay cả khi bên cho vay giải ngân và nhận thanh toán bằng ngoại tệ nhưng nghĩa vụ nợ bằng Đồng Việt Nam. 
  • Khoản vay nước ngoài có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm (i) tái cấp vốn cho các khoản nợ nước ngoài; (ii) thanh toán các khoản nợ ngắn hạn (trừ nợ gốc trong nước); (iii) tài trợ cho các dự án đầu tư được cấp phép; và (iv) tài trợ cho “các kế hoạch sản xuất kinh doanh, hoạt động kinh doanh và các dự án khác”. 
  • Việc tái cấp vốn cho các khoản nợ trong nước bằng cách sử dụng vốn vay nước ngoài nói chung không được phép. Dường như khoản vay ngắn hạn có thể được sử dụng để trả lãi và các khoản khác (không phải nợ gốc) của các khoản nợ trong nước. 
  • Việc vay nước ngoài ngắn hạn cho mục đích M&A cũng không được phép. Việc vay nước ngoài trung và dài hạn cho mục đích M&A có thể được xem xét tùy từng trường hợp cụ thể, đặc biệt đối với các khoản đầu tư của doanh nghiệp trong nước vào một mục tiêu hoặc công ty con trong cùng lĩnh vực kinh doanh. 
  • Không có mức trần cố định về chi phí đi vay, mặc dù NHNN đôi khi có thể đặt ra mức trần nếu cần thiết. Nếu giới hạn mức trần được đặt ra trong tương lai, nó có thể ảnh hưởng đến thỏa thuận của các bên về lãi suất, IRR, phí và thậm chí cả chi phí bồi hoàn. 
  • Cơ chế phê duyệt vay nước ngoài phần lớn không thay đổi. Vay ngắn hạn không cần đăng ký và phê duyệt từ NHNN. Tuy nhiên, việc vay trung và dài hạn phải được đăng ký và phê duyệt. Hồ sơ yêu cầu nộp cho NHNN phải chứng minh việc vay nước ngoài đạt mục đích cho phép. 
  • Tỷ giá áp dụng để tính toán nhiều loại tiền tệ là tỷ giá do Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước) công bố tại thời điểm liên quan.  
  • Các bên vay phải tuân theo một số nghĩa vụ mà họ cần phải biết. 

Giới thiệu 

Vay nước ngoài (bao gồm các khoản vay từ bên cho vay nước ngoài và phát hành trái phiếu quốc tế) là nguồn vốn đáng kể cho các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Vay nước ngoài đóng vai trò là một phương tiện quan trọng để bổ sung nguồn cho vay trong nước, đặc biệt khi giới hạn tín dụng cản trở các doanh nghiệp vay vốn trong nước. Theo quy định về hoạt động ngân hàng, các ngân hàng phải tuân thủ các tỷ lệ an toàn áp dụng trong hoạt động tín dụng. Đáng chú ý, các ngân hàng trong nước bị hạn chế cấp tín dụng cho bên vay hoặc nhóm các bên liên quan vượt quá 15% hoặc 25% tương ứng trong vốn của ngân hàng. Hơn nữa, các hạn chế cụ thể khác áp dụng cho việc vay bất động sản, chứng khoán và đầu tư vào các lĩnh vực đầu cơ hoặc có rủi ro cao. Để giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế và hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (“NHNN”) đã áp dụng các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong các lĩnh vực này. 

 

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái do bất ổn toàn cầu, gián đoạn chuỗi cung ứng và rủi ro vỡ nợ, các doanh nghiệp địa phương đang phải đối mặt với nhu cầu cấp thiết về nguồn vốn mới để duy trì hoạt động hoặc cơ cấu lại các nghĩa vụ tài chính. Bên cạnh các tổ chức cho vay truyền thống như ngân hàng trong và ngoài nước, các công ty cổ phần tư nhân hoặc các quỹ tình trạng đặc biệt/khó khăn cũng đẩy mạnh hoạt động. Do đó, toàn cảnh thị trường cho vay đã chứng kiến việc áp dụng các cấu trúc và điều khoản phức tạp hơn, đặc biệt là trong các giao dịch mà doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn trong những tình huống đầy thách thức. 

Trong bối cảnh đó, chính sách vay nước ngoài của NHNN đã thu hút được sự quan tâm đáng kể. NHNN đã đưa ra dự thảo thông tư vào tháng 6 năm 2022 để thay thế Thông tư số 12/2014/TT-NHNN (NHNN, ngày 31 tháng 3 năm 2014) (“Thông Tư Hiện Hành”). Sau nhiều vòng lấy ý kiến công khai, gần đây NHNN đã ban hành Thông tư số 08/2023/TT-NHNN ngày 30 tháng 6 năm 2023 (“Thông Tư Mới”), quy định điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh. Thông Tư Mới sẽ có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 năm 2023 và không áp dụng hồi tố (tức là các khoản vay nước ngoài được ký kết trước ngày 15 tháng 8 năm 2023 sẽ tiếp tục chịu sự điều chỉnh của Thông Tư Hiện Hành và không chịu sự điều chỉnh của Thông Tư Mới). 

 

Cũng như Thông Tư Hiện Hành, Thông Tư Mới không áp dụng đối với khoản vay cá nhân và khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. Việc cấm cá nhân vay nước ngoài vẫn được áp dụng. Khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh liên quan đến nợ công của Việt Nam thuộc khuôn khổ quản lý riêng. Mặc dù khoản vay nước ngoài chủ yếu bao gồm các khoản vay từ các bên cho vay nước ngoài, Thông Tư Mới quy định cụ thể việc phát hành trái phiếu quốc tế trong phạm vi điều chỉnh của Thông Tư Mới, từ đó mở rộng phạm vi pháp lý để điều chỉnh các giao dịch trên thị trường vốn. 

Thông qua nhiều vòng lấy ý kiến công khai, NHNN đã xem xét và tổng hợp các ý kiến đóng góp cũng như đề xuất của các bên liên quan. Thông Tư Mới không còn áp đặt một số yêu cầu được đề xuất ban đầu trong các dự thảo trước đó, bao gồm (i) mức trần chi phí vay, (ii) mức trần tổng nợ nước ngoài của bên vay và (iii) yêu cầu phòng ngừa rủi ro ngoại hối. Bản chính thức được ban hành của Thông Tư Mới áp dụng cách tiếp cận linh hoạt hơn liên quan đến các vấn đề này. 

Loại Tiền Tệ 

Vay nước ngoài theo truyền thống được giải ngân và hoàn trả bằng ngoại tệ, trong đó Đô La Mỹ là phổ biến nhất. Việc vay ngoại tệ được cho phép theo Thông Tư Hiện Hành và Thông Tư Mới.Theo Thông Tư Hiện Hành, việc vay nước ngoài bằng Đồng Việt Nam cũng được phép trong các trường hợp sau: (i) khi bên vay là tổ chức tài chính vi mô; (ii) khi bên vay là công ty có vốn đầu tư nước ngoài vay từ nhà đầu tư nước ngoài bằng lợi nhuận giữ lại được phân phối cho nhà đầu tư nước ngoài đó; và (iii) “trong các trường hợp khác” được Thống đốc NHNN chấp thuận. 

Thông Tư Mới không thay đổi các trường hợp được phép tại mục (i) và (ii) và định nghĩa “các trường hợp khác” tại mục (iii) một cách rõ ràng hơn. Cụ thể, việc vay nước ngoài bằng Đồng Việt Nam được phép nếu bên cho vay giải ngân và nhận thanh toán bằng ngoại tệ nhưng nghĩa vụ nợ bằng Đồng Việt Nam. Tình huống này thường phát sinh trong thực tế khi bên vay muốn tránh rủi ro tỷ giá. Ví dụ: cam kết cho vay được ghi trong hợp đồng vay và được giải ngân bằng Đô La Mỹ, được quy đổi sang Đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái được thỏa thuận giữa bên vay và bên cho vay. Khoản vay sau đó được ghi nhận vào hối phiếu nhận nợ bằng Đồng Việt Nam và lãi được tính theo lãi suất thỏa thuận trên số tiền gốc bằng Đồng Việt Nam. Vào ngày thanh toán theo lịch, bên vay trả gốc và lãi bằng Đồng Việt Nam và hỗ trợ bên cho vay chuyển đổi Đồng Việt Nam sang Đô La Mỹ theo tỷ giá hiện hành. Việc chuyển tiền Đô La Mỹ đã chuyển đổi sau đó sẽ được thực hiện cho bên cho vay. Cơ cấu trả nợ bằng Đồng Việt Nam này giúp bên vay giảm thiểu rủi ro ngoại hối. 

Khoản vay nước ngoài bằng Đồng Việt Nam cung cấp giải pháp thay thế cho cơ cấu cổ phiếu ưu đãi, thường bao gồm ưu đãi cổ tức và ưu đãi hoàn lại bằng cùng loại tiền tệ. Việc thừa nhận rằng khoản vay là một công cụ nợ, trong khi cổ phiếu ưu đãi trong hầu hết các trường hợp là công cụ vốn là điều cần thiết. Công cụ nợ mang lại các quyền ưu tiên trong việc thanh toán lãi, thanh lý hoặc hoàn trả mà có thể không có đối với chủ sở hữu vốn, ngay cả những người nắm giữ cổ phiếu ưu đãi. Trong trường hợp bên cho vay không đồng ý chịu rủi ro tỷ giá thì cơ cấu khoản vay là khoản vay ngoại tệ sẽ phù hợp hơn. 

Mục Đích Vay Nước Ngoài 

Tương tự như Thông Tư Hiện Hành, Thông Tư Mới duy trì sự phân biệt rõ ràng giữa vay nước ngoài ngắn hạn (có thời gian đáo hạn lên đến 1 năm) và vay nước ngoài trung và dài hạn (có thời gian đáo hạn trên 1 năm). Tuy nhiên, Thông Tư Mới đưa ra những thay đổi quan trọng nhằm làm rõ mục đích của từng loại khoản vay nước ngoài. 

Mục đích vay nước ngoài ngắn hạn  Mục đích vay nước ngoài trung và dài hạn 
  • Tái cấp vốn cho khoản nợ nước ngoài của bên vay. 
  • Thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của bên vay (trừ nợ gốc trong nước). 
  • Tái cấp vốn cho khoản nợ nước ngoài của bên vay. 
  • Tài trợ cho các dự án đầu tư được cấp phép của bên vay. 
  • Tài trợ cho “phương án sản xuất kinh doanh, hoạt động kinh doanh và các dự án khác” của bên vay. 

Tái cấp vốn cho khoản nợ nước ngoài của bên vay 

Thông Tư Mới nêu rõ rằng việc tái cấp vốn cho các khoản nợ nước ngoài là một lựa chọn khả dụng trong cả trường hợp vay nước ngoài ngắn hạn và trung, dài hạn. Đây là điểm làm rõ đáng hoan nghênh. 

Đáng chú ý là Thông Tư Hiện Hành yêu cầu chi phí vay nước ngoài mới không được cao hơn chi phí của khoản nợ nước ngoài hiện tại đang được tái cấp vốn và yêu cầu này không được giữ lại trong Thông Tư Mới. Đây cũng là một thay đổi chính sách rất đáng hoan nghênh vì chi phí vay trong quá trình tái cơ cấu hoặc gặp khó khăn thường khá cao, đặc biệt khi so sánh với chi phí vay phát sinh trong giai đoạn mà các doanh nghiệp có thể đảm bảo nguồn vốn với lãi suất ưu đãi hơn. 

Về thời hạn của khoản vay mới so với khoản nợ nước ngoài hiện tại sẽ được tái cấp vốn, Thông Tư Mới không quy định, cho thấy không có hạn chế nào trong vấn đề này. Lý do là các khoản vay nước ngoài ngắn hạn có thể được sử dụng để tái cấp vốn cho các khoản nợ nước ngoài trung và dài hạn. Sự linh hoạt này cũng cần thiết trong tình huống doanh nghiệp tái cơ cấu hoặc gặp khó khăn. 

Ngoài việc tái cấp vốn cho các khoản nợ nước ngoài, mục đích của các khoản vay nước ngoài ngắn hạn và các khoản vay nước ngoài trung và dài hạn có sự khác biệt đáng kể. Trong các phần sau, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào những mục đích riêng biệt này. 

Thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của bên vay  

Khoản vay ngắn hạn nước ngoài có thể được sử dụng để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của bên vay. NHNN đã nỗ lực làm rõ phạm vi của mục đích này bằng cách tham khảo định nghĩa về nợ ngắn hạn theo các nguyên tắc kế toán Việt Nam. Chúng bao gồm các khoản nợ được ghi ở mục 310 trong bảng cân đối kế toán (cụ thể là các khoản nợ ngắn hạn) và bao gồm các khoản phải trả thương mại ngắn hạn, thuế và các khoản thanh toán khác của chính phủ, khoản phải trả cho nhân viên, các khoản phải trả ngắn hạn, các khoản thanh toán theo hợp đồng xây dựng, v.v. 

Chúng tôi lưu ý 2 vấn đề. 

  • Thứ nhất, theo thông lệ kế toán Việt Nam, nợ ngắn hạn bao gồm các khoản vay và nợ thuê ngắn hạn. Tuy nhiên, Thông tư 08 nêu rõ các khoản nợ ngắn hạn này không bao gồm khoản nợ gốc trong nước. Kết quả, Thông tư 08 không cho phép sử dụng nguồn vay ngắn hạn nước ngoài để tái cấp vốn cho khoản nợ gốc trong nước, mặc dù Thông tư này dường như cho phépvay nước ngoài ngắn hạn để trả lãi và các khoản phải trả khác. Vay nước ngoài ngắn hạn để trả lãi vay hiển nhiên được cho phép vì chi phí lãi vay là một trong những khoản nợ ngắn hạn được ghi nhận tại mục 310 trên bảng cân đối kế toán. 

 

  • Thứ hai, vẫn còn sự mơ hồ về việc liệu Thông tư 08 có cho phép sử dụng vốn vay ngắn hạn cho mục đích M&A hay không. Dường như nợ ngắn hạn được ghi nhận tại mục 310 của bảng cân đối kế toán không bao gồm các khoản thanh toán góp vốn và mua cổ phần. Do mục đích của việc vay ngắn hạn chỉ giới hạn ở các khoản nợ ngắn hạn được ghi nhận tại mục 310,  rõ ràng rằng tài trợ cho mục đích M&A không được phép. Một cấu trúc thú vị gần đây đã được phát triển trên thị trường liên quan đến các thỏa thuận thanh toán trả chậm, theo đó, khoản đối ứng có thể được thanh toán bằng hối phiếu nhận nợ do bên mua phát hành cho bên bán. Trên thực tế, hối phiếu nhận nợ đó (tùy thuộc vào thời gian đáo hạn và hình thức xử lý kế toán) tạo ra khoản nợ ngắn hạn. Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu khoản vay ngắn hạn có thể được sử dụng để tài trợ cho nghĩa vụ trả chậm đó theo hối phiếu nhận nợ hay không. Khía cạnh này cần được làm rõ thêm. 

 

Tài trợ cho các dự án đầu tư đã được cấp phép “phương án sản xuất kinh doanh, hoạt động kinh doanh và các dự án khác” của bên vay  

 

Việc tài trợ cho các dự án đầu tư của bên vay chỉ giới hạn ở các dự án có giấy phép đầu tư. Thông Tư Mới yêu cầu rằng các dự án được cấp vốnphải có (i) giấy chứng nhận đầu tư, (ii) giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hoặc (iii) phê duyệt vốn đầu tư. Các giấy phép này được cấp theo luật đầu tư. Đáng chú ý, các loại giấy phép đầu tư này chủ yếu áp dụng cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài và các dự án khác có giá trị đầu tư cao. Nói cách khác, không phải dự án đầu tư nào cũng có một trong các loại giấy phép trên. Ngoài ra, tổng số tiền gốc (không bao gồm lãi và các khoản phải trả khác) của tất cả các khoản vay nước ngoài trung và dài hạn không được vượt quá vốn vay của dự án đầu tư được cấp phép (được xác định bằng tổng vốn đầu tư trừ đi vốn tự có, như được quy định tại giấy phép đầu tư). 

Đối với các dự án không có các giấy phép nói trên, hồ sơ vay vốn gửi NHNN phải chứng minh rằng khoản vay nhằm mục đích tài trợ cho “kế hoạch sản xuất kinh doanh, hoạt động kinh doanh và các dự án khác”. Tuy nhiên, Thông tư 08 không đưa ra hướng dẫn cụ thể hơn về mục đích này, việc phê duyệt khoản vay nước ngoài là quyết định của NHNN. 

Chúng tôi lưu ý  hai vấn đề. 

  • Thứ nhất, tài trợ cho các dự án đầu tư được cấp phép và “các kế hoạch sản xuất kinh doanh, hoạt động kinh doanh và các dự án khác” không bao gồm việc tái cấp vốn cho các khoản nợ trong nước. Thông Tư Mới không cho phép sử dụng vốn vay nước ngoài trung và dài hạn để tái cấp vốn cho các khoản nợ trong nước hiện có trong bối cảnh này 

 

  • Thứ hai, chưa rõ liệu Thông tư 08 có cho phép sử dụng vốn vay nước ngoài trung và dài hạn cho mục đích M&A hay không. Nếu một doanh nghiệp địa phương đầu tư vào một mục tiêu hoạt động trong cùng lĩnh vực kinh doanh, khoản đầu tư đó có thể được xem xét là một dự án đầu tư được cấp phép và có đủ điều kiện nhận tài trợ thông qua vốn vay nước ngoài trung và dài hạn. Ví dụ, một công ty bất động sản thành lập một công ty dự án để phát triển một dự án bất động sản được cấp phép mới, hoặc mua lại một dự án bất động sản mới được cấp phép bằng cách mua lại cổ phần của công ty dự án, có thể vay các khoản vay nước ngoài trung và dài hạn để tài trợ cho việc góp vốn hoặc mua cổ phần việc góp vốn hoặc mua lại đó liên quan đến dự án đầu tư được cấp phép. Tương tự, các công ty mẹ thường vay vốn và chuyển chúng đến các công ty con đang hoạt động dưới dạng đầu tư vào các công ty con. Những thông lệ đó vẫn có thể được xem xét và thảo luận với NHNN tùy từng trường hợp cụ thể. 

 

Chi Phí Vay Nước Ngoài 

Như đã lưu ý trước đó, NHNN đã xem xét đề xuất từ các bên liên quan, dẫn đến những sửa đổi đáng kể trong Thông Tư Mới. Các dự thảo trước đây của Thông Tư Mới quy định mức trần bằng lãi suất tham chiếu (ví dụ: Lãi suất có kỳ hạn SOFR) cộng với 8% mỗi năm. Hơn nữa, các dự thảo áp áp đặt phòng ngừa rủi ro ngoại hối bắt buộc như một biện pháp bảo vệ chống lại biến động tiền tệ trong một số trường hợp nhất định.,Ngược lại, Thông Tư Mới áp dụng cách tiếp cận linh hoạt hơn để giải quyết những lo ngại liên quan đến những hạn chế này. 

Hiện tại, Thông tư 08 chưa quy định mức trần chi phí vay. Tuy nhiên, NHNN đôi khi có thể áp đặt mức trần như vậy nếu cần thiết. Hiện tại, có thể vay với chi phí cao trong vốn cổ phần tư nhân, các giao dịch khó khăn hoặc tái cơ cấu. Điều quan trọng cần lưu ý là NHNN có thể đưa ra mức trần chi phí đi vay trong tương lai. Trong trường hợp đó, mức trần có thể ảnh hưởng đến lãi suất, IRR, phí và thậm chí cả khoản bồi thường mà các bên đã thỏa thuận. Vì vậy, việc hạn chế không áp dụng hồi tố đối với các khoản vay nước ngoài được thi hành trước ngày Thông Tư Mới có hiệu lực (tức là ngày 15 tháng 8 năm 2023) là điều cần thiết. Thông Tư Mới không áp dụng hồi tố đối với khoản vay nước ngoài được ký theo Thông Tư Hiện Hành và việc kỳ vọng rằng NHNN cũng sẽ thực hiện cách thức tiếp cận nàycó cơ sở. 

Phòng ngừa rủi ro ngoại hối sẽ tạo thêm chi phí vay. Để phản hồi bình luận của các bên liên quan, Thông tư 08 không áp đặt yêu cầu bên vay phải thực hiện phòng ngừa rủi ro ngoại hối. Thông tư 08 mang lại sự linh hoạt cho bên vay trong vấn đề này. 

Phê Duyệt của NHNN  

Nhìn chung, cơ chế phê duyệt các khoản vay nước ngoài phần lớn không thay đổi. Khoản vay ngắn hạn không cần phải đăng ký hoặc phê duyệt với NHNN. Tuy nhiên, khoản vay trung và dài hạn cần phải đăng ký và đượcchấp thuận. 

Trong khi cơ chế phê duyệt phần lớn không thay đổi, Thông Tư Mới đã quy định chi tiết các tài liệu cần chuẩn bị, lưu trữ và nộp cho NHNN. Các tài liệu này  nhằm cung cấp thông tin hoặc bằng chứng liên quan đến từng mục đích vay nước ngoài được phép. 

Đáng chú ý, hồ sơ vay ngắn hạn không được nộp ngay cho NHNN mà phải được các bên vay lưu giữ. Các tài liệu này sẽ được ngân hàng chuyển tiền và NHNN kiểm tra tại thời điểm trả nợ hoặc gia hạn khoản vay ngắn hạn thành khoản vay trung và dài hạn. Ngược lại, các hồ sơ vay trung và dài hạn phải được nộp cho NHNN trong quá trình đăng ký. 

Mục đích được phép  Tài liệu hỗ trợ 
  • Tái cấp vốn cho khoản nợ nước ngoài của Bên Vay. 
  • Kế hoạch tái cấp vốn (trong đó quy định thông tin về khoản nợ nước ngoài hiện hữu và khoản vay mới) 
  • Thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của bên vay (trừ nợ gốc trong nước).
  • Mô tả dưới dạng bảng (theo quy định tại Thông tư 08) về từng nghĩa vụ nợ ngắn hạn của bên vay (bao gồm số tiền, ngày thanh toán dự kiến, các tài liệu chứng minh nghĩa vụ đó, các tài liệu khác) 
  • Tài trợ cho các dự án đầu tư được cấp phép của bên vay. 
  • Một trong ba loại giấy phép đầu tư: (i) giấy chứng nhận đầu tư, (ii) giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, hoặc (iii) phê duyệt nguyên tắc đầu tư
  • Tài trợ cho “phương án sản xuất kinh doanh, hoạt động kinh doanh và các dự án khác” của bên vay. 
  • Kế hoạch sử dụng khoản vay (trong đó nêu rõ thông tin về việc sử dụng số tiền thu được) 

Các Vấn Đề Đáng Chú Ý Khác 

Tỷ Giá Hối Đoái 

Tỷ giá hối đoái được quy định  tại nhiều bối cảnh khác nhau trong Thông Tư Mới. Cụ thể, khi tính toán (i) nghĩa vụ nợ của các khoản vay bằng Đồng Việt Nam nhưng giải ngân bằng ngoại tệ, (ii) giới hạn vay nước ngoài đối với các khoản vay trung và dài hạn quy định tại giấy phép đầu tư (được tính bằng tổng vốn đầu tư trừ vốn chủ sở hữu) và (iii) giá trị quyết toán phương án sử dụng vốn (trong trường hợp chi phí được tài trợ bằng vốn vay nước ngoài bằng các loại tiền tệ khác nhau),tỷ giá áp dụng là tỷ giá do Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước) công bố tại thời điểm liên quan. 

Nghĩa Vụ Của Bên Vay 

Thông Tư Mới nêu ra một số nghĩa vụ mà bên vay phải lưu ý, bao gồm: 

  • Bên vay phải ngay lập tức sử dụng toàn bộ vốn vay nước ngoài hoặc gửi số tiền vay vào tài khoản ngân hàng tối đa 1 tháng. 
  • Trường hợp Bên vay sử dụng vốn vay trung và dài hạn để cơ cấu nợ nước ngoài thì bên vay phải trả nợ nước ngoài trong vòng 5 ngày. 
  • Bên vay phải tuân thủ tất cả luật Việt Nam hiện hành, bao gồm luật hợp đồng, luật doanh nghiệp, luật đầu tư, luật giao dịch bảo đảm và luật chống rửa tiền mặc dù khoản vay nước ngoài được điều chỉnh bởi luật nước ngoài. 

Kết Luận 

Thông Tư Mới thể hiện nỗ lực quyết tâm của NHNN trong việc xây dựng các tiêu chí áp dụng cho các khoản vay nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước. Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, gián đoạn chuỗi cung ứng và rủi ro vỡ nợ, nỗ lực này nhằm bảo vệ hồ sơ nợ nước ngoài của Việt Nam và giúp các doanh nghiệp trong nước vay vốn nước ngoài. NHNN rõ ràng có mục tiêu cân bằng các mục tiêu chính sách của mình với nhu cầu của các bên liên quan và đang hướng tới một cơ chế quản lý vay nước ngoài chặt chẽ hơn. Cơ chế này sẽ có tác động đáng kể đến tài chính, thị trường vốn và các giao dịch M&A tại Việt Nam trong tương lai. 

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến bài viết hoặc Thông tư mới, vui lòng liên hệ với luật sư dưới đây:

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ Ban Truyền thông và Marketing của YKVN:

T: (+84-28) 3 822 3155
marketing@ykvn-law.com

X
Contact Us

Send a message to YKVN

Not readable? Change text. captcha txt